22:19 30/12/2020 Lượt xem: 2823
Thời gian qua, TP Cần Thơ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT), phát triển đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp. Nổi bật nhất là các công trình, dự án thu gom, phân loại rác thải và đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác trên địa bàn. Những dự án này với hệ thống xử lý rác thải ứng dụng công nghệ hiện đại, phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phát triển bền vững môi trường trong tương lai.
Phân loại, xử lý rác theo yêu cầu
Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tiến độ xây dựng và nghe thuyết trình về quá trình xây dựng Nhà máy Đốt rác phát điện Cần Thơ.
Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu suất xử lý, gia tăng chi phí xử lý rác thải và gây ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát thải môi trường. Trong tương lai chi phí này sẽ còn tăng thêm nếu việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện triệt để và không phù hợp với công nghệ hiện đại. Do đó, để đảm bảo hiệu quả xử lý chất thải rắn, đảm bảo chỉ tiêu về môi trường trong xu hướng phát triển đô thị bền vững thì việc triển khai kế hoạch thu gom và phân loại chất thải rắn trên địa bàn TP Cần Thơ là vô cùng cần thiết. Ngày 31-8-2017, Sở Xây dựng TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 2943/KH-SXD về việc thực hiện thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Cần Thơ.
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, kế hoạch trên thực hiện đáp ứng theo yêu cầu của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ; phân loại rác thải sinh hoạt theo tiêu chí công nghệ của nhà máy, như: phân loại chất thải rắn sinh hoạt không đốt được (kim loại, rác xây dựng, thủy tinh, gốm sứ ...), chất thải rắn nguy hại (pin, thiết bị điện tử, bóng đèn, bình ga, bình ắc quy...), chất thải rắn sinh hoạt đốt được (loại trừ thành phần rác không đốt được và chất thải rắn nguy hại nêu trên) phát sinh từ quá trình sinh hoạt của người dân. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đốt được thu gom hằng ngày và vận chuyển đến khu xử lý tại nhà máy ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai; chất thải rắn sinh hoạt không đốt được thu gom hằng ngày và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn quận Ô Môn; chất thải rắn nguy hại được thực hiện phân loại và xử lý riêng tại khu xử lý chất thải rắn của nhà máy tại xã Trường Xuân. huyện Thới Lai...
Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: “Đối tượng tham gia thí điểm thực hiện kế hoạch trên là tất cả cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức trên địa bàn phường Trà Nóc thuộc quận Bình Thủy, phường Lê Bình thuộc quận Cái Răng và toàn địa bàn quận Ninh Kiều triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, từ tháng 9-2017 đến hết tháng 3-2018, các phường thực hiện tuyên truyền và bắt đầu phân loại rác ngay sau khi kế hoạch được ban hành. Sau mỗi tuần, các địa phương báo cáo sơ bộ để đánh giá kết quả thực hiện và tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình, các đơn vị phân loại rác theo đúng yêu cầu. Từ tháng 3-2018 trở về sau, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ được triển khai mở rộng trên toàn địa bàn các quận: Ninh Kiều, Binh Thủy, Cái Răng...”.
Qua kiểm tra, các đơn vị chuyên môn đánh giá các hộ gia đình, đơn vị đóng trên địa bàn các địa phương triển khai thí điểm kế hoạch thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt thực hiện đạt yêu cầu. Việc làm này tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành thói quen phân loại rác thải ở từng cá nhân, tổ chức; tạo ý thức tự giác chấp hành phân loại rác tại nguồn ngay khi có phát sinh. Đặc biệt, mỗi cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đã gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm kế hoạch trên. Ban chỉ đạo kế hoạch, lực lượng được giao nhiệm vụ kiếm tra, giám sát kế hoạch cũng đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động tuyên truyền, vận động, nhắc nhở với công tác kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, không chấp hành quy định.
Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, để thực hiện thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch thu gom và phân loại chất thải rắn trên địa bàn TP Cần Thơ, gồm lãnh đạo Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, UBND các địa phương có liên quan. Qua đó, công tác tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện đã đạt kết quả cao.
Mạnh tay đầu tư xây dựng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, được triển khai xây dựng vào tháng 6-2017, đến nay Nhà máy Đốt rác phát điện Cần Thơ tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), xây dựng cơ bản hoàn thành các phần việc như: nền hạ, móng công trình, tường rào, san lấp mặt bằng, đường dẫn vào nhà máy; khu nhà chính, hầm chứa rác, hệ thống xử lý nước thải, khu xử lý đốt rác phát điện, khu xử lý khói thải... Bên cạnh đó, trang thiết bị xử lý, đốt rác thải phát điện cũng được chủ đầu tư tập kết và lắp ráp để đưa vào vận hành theo đúng kế hoạch. Theo đánh giá của ngành chức năng TP Cần Thơ, công trình xây dựng hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đồng thời ngành chức năng TP Cần Thơ cũng tạo mọi điều kiện để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tổ chức chặt chẽ quá trình thực hiện, bảm bảo chất lượng công trình nhằm tạo ra sản phẩm tối ưu và là nơi xử lý rác tốt nhất của thành phố.
Đại diện UBMTTQVN TP Cần Thơ trao tặng các thùng chứa rác cho các địa phương tại quận Ô Môn, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị sạch, đẹp tại địa phương.
Nhà máy Đốt rác phát điện Cần Thơ được xây dựng với tổng diện tích 53ha, nằm cách biệt với các khu dân cư và trục lộ chính. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Quốc tế Everbright, có tên pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Sau khi hoàn thành, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và tạo ra 150.000Kwh điện năng để hòa vào lưới điện quốc gia. Số lượng tro xỉ sau khi đốt phát điện còn lại khoảng 5% sẽ được chôn lấp; các chất thải dạng rắn, lỏng, khí sẽ thông qua các thiết bị chuyên dụng xử lý đạt tiêu chuẩn và thải ra ngoài. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6-2018.
Ông Phan Văn Quang, người dân tại xã Trường Xuân, cho biết: “Lúc đầu, hay tin nhà máy xử lý rác thải phát điện xây dựng tại xã Trường Xuân, chúng tôi lo lắng vì sợ mùi hôi, nước thải ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất nông nghiệp và môi trường sống. Nhưng sau đó chúng tôi được chủ đầu tư, ngành chức năng TP Cần Thơ giới thiệu về công nghệ xử lý và hướng dẫn tham quan một số nhà máy xử lý rác thải theo mô hình nêu trên của chủ đầu tư, chúng tôi yên tâm hơn. Bởi, các điểm xử lý này sạch sẽ, không mùi hôi, không rò rỉ nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng tôi mong đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện tại huyện Thới Lai thực hiện xây dựng khi đưa vào hoạt động đảm bảo chất lượng như đã cam kết”.
Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: “Chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm cung ứng khối lượng và thành phần chất thải rắn sinh hoạt theo các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt giữa Sở Xây dựng thành phố và doanh nghiệp xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt khi có phát thải. Với hoạt động này, thành phố phấn đấu đến cuối năm 2018 và từ năm 2019 trở về sau hoàn thành cơ bản việc xử lý chất thải rắn phát sinh hằng ngày không bằng hình thức chôn lấp như hiện nay...”. |
Bài, ảnh: HÀ VĂN
0939 873 836
0292 373 4624